
Ý tưởng viết bài này đến từ việc hàng ngày vẫn mò mẫm vào báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán tìm kiếm thông tin, nên có một chút cảm xúc/góc nhìn để đặt bút viết.
Cá nhân mình cũng như đại đa số các nhà đầu tư hiện nay – đa phần đều là nhà đầu tư nhỏ lẻ. Phận nhỏ lẻ thì có nhiều thiệt thòi, một trong những thiệt thòi lớn nhất có lẽ là việc không có khả năng tiếp xúc với những nguồn thông tin khác ngoài các thông tin công bố bắt buộc, từ phía doanh nghiệp như các quỹ, tổ chức, cổ đông lớn khác… Chính vì lý do này mà báo cáo phân tích doanh nghiệp mới được ra đời. Đội ngũ research chuyên nghiệp cùng mối quan hệ với nhiều doanh nghiệp, các công ty chứng khoán cho ra những báo cáo phân tích nhằm mục đích cung cấp thông tin quan trọng từ phía doanh nghiệp đến nhà đầu tư.
Khác với báo cáo tài chính, báo cáo phân tích không có một trình tự và chuẩn hóa cụ thể như phải lập bảng cân đối kế toán trước rồi mới đến báo cáo thu nhập và lưu chuyển tiền tệ, hay đơn giản là quy định khoản mục XYZ phải nghi nhận như thế nào. Điều này khiến báo phân tích của mỗi công ty chứng khoán mang một hơi hướng khác nhau, ví dụ như báo cáo của Bản Việt thường là báo cáo cập nhật thông tin, dự phóng kết quả kinh doanh ( thường sẽ có điều chỉnh dự phóng trước đó), báo cáo của HSC thường phân tích chi tiết kết quả kinh doanh sau đó dự phóng tương lai… Vì lý do có sự khác nhau này nên mình mới có ý định viết lên bài review, tạo chủ đề cho anh chị em thường xuyên tiếp xúc với nguồn thông tin này vào trao đổi.
Các tiêu chí review bao gồm: tính đa dạng, chất lượng thông tin, số lượng và tính chuyên sâu. Ngoài ra còn một phần vô cùng quan trọng là định giá và khuyến nghị có lẽ mình sẽ viết trong một dịp khác.
1.Tính đa dạng
Cổ phiếu cũng có loại này loại kia, nào cổ phiếu giá trị, đầu cơ, cổ phiếu tăng trưởng, midcap, peny… Mình thì thích phân ra làm 2 loại: cổ phiếu thị trường và cổ phiếu phi thị trường. Cổ phiếu thị trường là những cổ phiếu thanh khoản cao, vốn hóa trên mức trung bình và được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Sở dĩ có cái tên cổ phiếu thị trường nguyên nhân là do sở hữu bởi số đông nên nhóm cổ phiếu này là dễ biến động theo xu hướng chung của thị trường. Ngược lại cổ phiếu phi thị trường thanh khoán không cao và ít nhà đầu tư để ý tới, điều này làm cho cổ phiếu có những biến động riêng mà không phụ thuộc vào Vnindex. Không khó hiểu khi đa phần báo cáo phân tích các công ty chứng khoán tập trung vào nhóm cổ phiếu thị trường, nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu và sự quan tâm của đa phần nhà đầu tư. Tuy nhiên, cũng có hiếm hoi một vài công ty chứng khoán lại chịu khó phục vụ phần ít nhà đầu tư còn lại với những báo cáo phân tích của các công ty ít người biết đến. Cái tên mình muốn nhắc đến đầu tiên ở đây là FPTS – công ty cổ phần chứng khoán FPT. Nếu vào trang báo cáo phân tích của FPT, chắc hẳn bạn sẽ bắt gặp nhiều cái tên “lần đầu tiên nghe đến” như gần đây là HOM, CDC, CLW… chẳng hạn. Ngoài FPTS, BVSC – chứng khoán Bảo Việt đôi khi cũng có báo cáo về những cái tên lạ trên thị trường, nhưng ở mức độ không thường xuyên hơn.
2.Chất lượng thông tin
Tiêu chí này cũng tương đối quan trọng, bởi lẽ mục tiêu hàng đầu mà nhà đầu tư muốn có từ báo cáo phân tích chính là thông tin. Thật tai hại khi nếu những thông tin này không chính xác, dựa trên suy đoán hoặc biến tấu vì một mục đích nào đó, điều này sẽ làm ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư. Với uy tín của mình, những công ty chứng khoán lớn như SSI, HCM, VCSC… thường có những thông tin cập nhật rất kịp thời và chính xác đến nhà đầu tư của mình. Những công ty chứng khoán nhỏ, nhà đầu tư nên cân nhắc và xác minh rõ hơn thông tin từ báo cáo phân tích của các công ty này.
3.Số lượng
Đội ngũ research hùng hậu, VCSC và HSC là 2 công ty chứng khoán có số lượng báo cáo thường xuyên nhất. Tiếc rằng báo cáo của VCSC đa phần là những báo cáo cập nhật tin tức và shote note vài dòng ngắn. Báo cáo của HSC (trước đây, hiện tại HSC đã thay đổi trang và nội dung báo cáo) có phần chất lượng hơn nhưng lại quá chú tâm vào báo phân tích báo cáo tài chính. Những công ty chứng khoán nhỏ hơn thường sẽ một vài tuần hay một tháng mới cho ra một báo cáo phục vụ nhà đầu tư.
4.Tính chuyên sâu
Đây là yếu tố quan trọng nhất và được mình xếp cuối cùng trong số các tiêu chí. Tính chuyên sâu thể hiện mức độ chi tiết thông tin về doanh nghiệp trong báo cáo bao gồm: lịch sử hình thành, cơ cấu cổ đông, chuỗi giá trị, tổng quan ngành… Những thông tin này giúp nhà đầu tư có cái nhìn tổng quát nhất đến doanh nghiệp,ngành và vô cùng quan trọng nếu nhà đầu tư có ý định nắm giữ cổ phiếu dài hạn. Nhà đầu tư cũng có thể tự mình tìm được câu trả lời về hầu hết các thắc mắc đến doanh nghiệp từ những báo cáo này, để từ đó có thể đưa ra quyết định đầu tư hay là không. Có phần ngạc nhiên khi những công ty thường có báo cáo chuyên sâu lại là những cố ty chứng khoán vừa và nhỏ. Những cái tên mà mình muốn kể đến đó là FPTS, KBSV – công ty cổ phần chứng khoán KB, một công ty đến từ Hàn Quốc và VNCS – công ty cổ phần chứng khoán Kiến Thiết.
Trên đây là những review của mình về báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán phân theo các tiêu chí. Sau cùng mình muốn giới thiệu đến cả nhà một số công ty có public báo cáo phân tích mà không cần mở tài khoản. Mọi người có thể tìm kiếm thông tin hoặc hoàn toàn là một cơ hội đầu tư mới toanh từ báo cáo của các công ty này mà không mất nhiều công sức. Các công ty đó là FPTS, BVSC, KIS, ACBS, MBS, PHS, KBSV, DAS, DNSE, VNCS, Mirea Asset, EVS, CTS, ASC, SBSC…