DRC- Trước cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ

Tổng quan

DRC tiền thân là một xưởng đắp vỏ xe ô tô của quân đội Chính quyền Sài Gòn trước 1975. Sau quá trình phát triển liên tục hơn 40 năm, đến nay DRC là một trong những doanh nghiệp nội địa sản xuất săm lốp lớn nhất cả nước với thị phần khoảng 14%. Các sản phẩm của DRC hướng đến chủ yếu là lốp ô tô, trong đó 2 loại lốp Bias và Radial lần lượt chiếm 38 và 40% cơ cấu doanh thu. Do nhà máy lốp Radial có chi phí đầu tư lớn và thời gian khấu hao ngắn, nên mặc dù đã hoạt động hơn 110% công suất giai đoạn 1 nhưng tỷ trọng đóng góp lợi nhuận gộp của mảng lốp Radial chỉ đạt 11% trong năm 2018. Mảng lốp bias là chủ lực đóng góp vào lợi nhuận của công ty với tỷ trọng hơn 70%.

Cơ cấu cổ đông

Vinachem đại diện cho nhóm cổ đông nhà nước với tỷ lệ nắm giữ 50.51% vốn cổ phần. Ngoài ra, DRC nhận được khá nhiều sự quan tâm của các tổ chức và quỹ đầu tư nước ngoài như Norges Bank (2.49%), KWE Beteilgungen AG (6.08%), VNM ETF (3.43%)… Nhóm cổ đông nước ngoài này hiện nắm 23% số lượng cổ phiếu lưu hành của công ty. Các thành viên trong ban lãnh đạo nắm giữ một lượng không đáng kể cổ phiếu.

Chuỗi giá trị

  1. Đầu vào

Chi phí nguyên vật liệu chiếm 76% trong cơ cấu chi phí sản xuất của DRC. Trong đó, nguyên vật liệu chính cho sản xuất săm lốp của DRC là cao su thiên nhiên (31 % NVL), cao su tổng hợp (13%), than đen ( 17% NVL) và các loại hóa chất (17% NVL). Phần lớn các loại nguyên vật liệu của DRC đều phải nhập khẩu, duy chỉ có cao su tự nhiên là DRC mua phần chủ yếu ở các doanh nghiệp trong nước. Nhìn chung các thành phần NVL đều có liên quan mật thiết đến giá dầu nên những biến động của giá dầu thế giới sẽ tác động đáng kể đến biên lợi nhuận của DRC.

  1. Dây chuyềnsản xuất

Hiện tại các nhà máy và dây chuyền sản xuất của DRC đều tập trung tại thành phố Đà Nẵng. Các dây chuyền sản xuất các dòng sản truyền thống như sắm lốp xe đạp, xe máy, săm yếm ô tô hầu như đã vượt công suất thiết kế và công ty không có ý định mở rộng thêm. Đối với dây chuyền lốp Bias, do xu hướng Radial hóa hiện nay khiến sản lượng lốp Bias liên tục suy giảm, công ty đã chuyển giao một phần sang sản xuất lốp Radial bán thép LTR với công suất tối đa là 20000 lốp/tháng. Mảng lốp Radial hiện tại có công suất 600000 chiếc/năm với sản phẩm chủ lực là lốp Radial toàn thép, phục vụ cho các loại xe tải hạng nặng, xe buýt…

  1. Đầu ra
  • Theo khu vực địa lý

Thị trường nội địa chiếm 62% doanh thu của DRC, trong đó các khu vực miền Bắc, miền Trung, miền Nam lần lượt chiếm tỷ trọng là 24, 48 và 28%. Kênh bán hàng thị trường trong nước của DRC chủ yếu là qua hơn 100 đại lý cấp 1 trải dài cả nước. Ngoài ra 10% doanh thu bán hàng trong nước của DRC đến từ các hợp đồng lắp ráp với các hãng xe lớn cả nước như Thaco Trường Hải, Ô tô Giải Phóng…

Thị trường xuất khẩu chiếm 38% doanh thu của DRC trong năm 2018, trong đó các thị trường lớn nhất là châu Mỹ (47%) và châu Á (41%). Ở thị trường Châu Mỹ, Brazil là thị trường lớn nhất của DRC chiếm 41% doanh thu xuất khẩu với sản phẩm chủ lực là lốp ô tô Radial. Thị trường Châu Á, Thái Lan và Malaysia là 2 thị trường lâu đời và tương đối ổn định, chiếm hơn 20% doanh thu xuất khẩu hằng năm của DRC với sản phẩm chủ lực là lốp ô tô Bias.

  • Theo sản phẩm

Các sản phẩm truyền thống như sắm lốp xe đạp, xe máy, săm yếm ô tô chủ yếu tiêu thụ ở thị trường trong nước, ít bị cạnh tranh bởi các doanh nghiệp FDI và nước ngoài. Đối với mảng lốp Bias, công ty xuất khẩu khoảng 23% ra bên ngoài, chủ yếu là các nước trong khu vực Đông Nam Á do các thị trường này vẫn chưa quen với việc dùng lốp Radial.

Mảng lốp Radial công ty đẩy mạnh xuất khẩu, tiêu thụ nội địa chỉ chiếm 30% cơ cấu doanh thu. Brazil là thị trường xuất khẩu lốp Radial lớn nhất của DRC, tuy nhiên đến cuối năm 2019 mức thuế chống bán phá giá các sản phẩm Trung Quốc ở thị trường này sẽ hết hiệu lực sẽ là một yếu tố bất lợi cho DRC.

Chuỗi giá trị DRC

Tiềm năng tăng trưởng

  1. Hoàn thành giai đoạn 2 nhà máy Radial giúp tăng gấp đôi công suất

Cuối năm 2018 DRC chính thức đưa vào hoạt động giai đoạn 2 nhà máy Radial với tổng mức đầu tư 511 tỷ, nâng công suất sản xuất lốp Radial lên 600000 sản phẩm/năm. Do chủ yếu chỉ mất chi phí mua trang thiết bị, giai đoạn 2 có suất đầu tư chưa bằng ⅓ so với giai đoạn 1 của nhà máy. Việc đưa vào vận hành giai đoạn 2 của nhà máy Radial giúp đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường và giảm áp lực khi giai đoạn 1 đã chạy full công suất. Dự kiến giai đoạn 2 sẽ hoạt động 40% công suất trong 2019 và 100% công suất trong 2020, qua đó tiết giảm khoảng 40% chi phí khấu hao/sản phẩm hàng năm.

  1. Chuyển giao công nghệ từ Châu Âu giúp DRC tăng năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm lốp Radial

Trước đây, nhà máy của DRC do các doanh nghiệp Trung Quốc tư vấn thiết kế và chuyển giao công nghệ. Chính vì điều này khiến các sản phẩm lốp Radial của DRC nằm ở phân khúc cấp thấp và không có lợi thế cạnh tranh với các sản phẩm Trung Quốc đang tràn lan trên thị trường. Tuy nhiên, từ năm 2016 DRC đã hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất lốp Radial với Công ty Black Donuts Engineering INC – Phần Lan, đây là một doanh nghiệp hàng đầu thế giới chuyên về tư vấn chuyển giao công nghệ sản xuất lốp xe ôtô. Dự án hợp tác này vừa được hoàn thành vào năm 2018, qua đó giúp sản phẩm của DRC đạt chất lượng tương đương với chất lượng sản phẩm của các nhà sản xuất Châu Âu.

Tiêu chuẩn mới có thể giúp DRC giúp doanh nghiệp có thể đàm phán với các khách hàng để nâng giá bán (Q1/2019, giá bán lốp ôtô Radial nội địa tăng +8% yoy) và thâm nhập các thị trường khó tính hơn như Châu Âu và Mỹ.

  1. Tiềm năng từ thị trường trong nước và chiến tranh thương mại Mỹ Trung
  • Thị trường trong nước

Theo báo cáo của VAMA, tổng số lượng lưu hành và bán ra xe tải – xe buýt (các sản phẩm lốp chủ lực của DRC) tăng trưởng tốt với tốc độ CAGR lần lượt là 14,8%/năm và 12,7%/năm và dự báo sẽ còn tăng trưởng tốt trong những năm tới. Ngoài ra, tỉ lệ sử dụng lốp Radial ở Việt Nam chỉ khoảng 55% nên dư địa thị trường lốp Radial trong nước của DRC vẫn còn lớn.

Trong ngắn hạn, sau kiến nghị của Vianachem tới bộ công thương, từ 01/01/2019, mức thuế nhập khẩu các loại săm lốp dành cho xe tải, xe buýt từ Trung Quốc sẽ tăng từ 20 – 25% so với năm 2018. Đây sẽ là lợi thế lớn cho DRC trong việc cạnh tranh với các sản phẩm từ Trung Quốc.

  • Thị trường Mỹ

Trong năm 2018, căng thẳng từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung mở ra một cơ hội lớn cho các nhà sản xuất săm lốp xuất khẩu sang Mỹ. Tuy nhiên thời điểm đó do chưa đáp ứng được một số tiêu chuẩn nên việc xuất khẩu sang thị trường này của DRC bị chậm trễ. Từ năm 2019, với công nghệ mới, lốp ô tô Radial của DRC đã đạt chứng nhận tiêu chuẩn an toàn của bộ giao thông vận tải Hoa Kỳ (D.O.T) và được phép xuất sang Mỹ. Theo thông tin từ bộ phận IR của công ty, quý 2 2019 DRC đã có những bước đi đầu tiên thâm nhập vào thị trường này với lượng tiêu thụ khoảng 10.000 lốp/tháng.

Rủi ro đầu tư

  1. Rủi ro nguyên vật liệu

Với tỷ trọng chi phí chiếm 76% trong cơ cấu chi phí sản xuất, biến động giá nguyên vật liệu sẽ tác động lớn điến biên lợi của công ty.

  1. Rủi ro tỷ giá

Trên 60% chi phí đầu vào của DRC nhập khẩu và trên 30% doanh thu đến từ xuất khẩu nên những biến động của tỷ giá sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, DRC có khoảng nợ 678.3 tỷ bằng đồng USD khiến mỗi biến động giảm 1% của đồng Việt Nam so với USD sẽ làm công ty giảm gần 7 tỷ đồng lợi nhuận.

  1. Rủi ro từ thị trường Brazil

Trong năm 2018, giá trị xuất khẩu của DRC sang Brazil đạt hơn 23,6 triệu USD và chiếm 41% doanh thu xuất khẩu lốp Radial. Đây là thị trường mà DRC đang có được lợi thế ngắn hạn nhờ việc chính phủ nước này đang áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm lốp TBR của Trung Quốc với mức thuế dao động từ 300 USD/tấn đến trên 4.000 USD/tấn. Việc áp thuế có hiệu lực 5 năm và sẽ hết hiệu lực vào tháng 11/2019. Hiện nay, thông tin về việc gia hạn luật thuế trên vẫn còn chưa rõ ràng, do đó đây là một yếu tố cần theo dõi của DRC trong thời gian tới


Notice: ob_end_flush(): failed to send buffer of zlib output compression (1) in /home/nhletdmp/public_html/wp-includes/functions.php on line 5279

Notice: ob_end_flush(): failed to send buffer of zlib output compression (1) in /home/nhletdmp/public_html/wp-includes/functions.php on line 5279