Chờ đợi gì vào kết quả kinh doanh quý 3 của các công ty chứng khoán ?

Nếu như quý 1 chứng kiến một kết quả kinh doanh khá bết bát của nhóm cổ phiếu chứng khoán thì quý 2 lại cho thấy một bức tranh hoàn toàn khác. Theo dữ liệu của Fiinpro tổng hợp từ 80 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán, từ mức lợi nhuận sau thuế –168 tỷ trong quý 1, các công ty chứng khoán đã có cú bứt phá ngọa mục với tổng lợi nhuận 2.187 tỷ trong quý 2, ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 154% so với cùng kỳ. Nhiều CTCK đang ghi nhận mức lỗ trong quý 1 bỗng quay sang lãi lớn trong quý 2, đơn cử như chứng khoán Thiên Việt từ mức -79,6 tỷ tăng lên 111,0 tỷ, chứng khoán Rồng Việt từ -88,4 tăng lên 101,4 tỷ hay chứng khoán IB từ -24,6 tăng lên 70,8 tỷ. Trong vòng 2 tháng trở lại đây, cùng với sự hồi phục của thị trường chứng khoán thì giá của nhiều cổ phiếu chứng khoán cũng ghi nhận mức tăng ấn tượng và vượt trội hơn so với thị trường. Có thể kể đến như SSI tăng 32,46%, HCM 32,12%, VCI tăng 57,10%, VND tăng 27,23% kể tức mức đáy cuối tháng 7.

Sự tăng giá của các cổ phiếu chứng khoán không chỉ phản ánh những con số tích cực đã được thể hiện trong quý vừa rồi, mà hơn cả, nhà đầu tư đang kỳ vọng nhiều hơn vào kết quả trong quý 3 của nhóm cổ phiếu này. Những dữ liệu dưới đây cho thấy sự kỳ vọng của nhà đầu tư là hoàn toàn có cơ sở, thậm chí kết quả kinh doanh trong quý 3 có thể có ghi nhận những con số bất ngờ hơn.

Hoạt động môi giới

Đặc thù kinh doanh của một công ty chứng khoán sẽ có nhiều nghiệp vụ khác nhau như môi giới, cho vay, tự doanh, ngân hàng đầu tư, ủy thác… và tùy thuộc vào chiến lược của ban lãnh đạo mà mỗi công ty sẽ tập trung phát triển một số nghiệp vụ để hình thành nên lợi thế cạnh tranh cho mình. Ví dụ như VCI vốn nổi tiếng về hoạt động ngân hàng đầu tư với những thương vụ, SSI thì doanh thu mảng môi giới luôn chiếm trên 30% doanh thu hoạt động, các công ty chứng khoán nước ngoài với lợi thế từ nguồn vốn giá rẻ sẽ phát triển mang cho vay ký quỹ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, trong bức tranh tổng thể của ngành thì hoạt động môi giới luôn là đầu tầu và là cơ sở để CTCK phát triển những mảng còn lại. Chính vì vậy mà môi giới luôn là hoạt động đem lại nguồn thu lớn nhất cho các công ty chứng khoán, đặc biệt là những công ty top đầu trên thị trường.

Doanh thu từ hoạt động môi giới chủ yếu đến từ phí giao dịch của khách hàng,  vì vậy mà mảng môi giới của các công ty chứng khoán phụ thuộc nhiều nhất vào yếu tố thanh khoản của thị trường thị trường. Khi thị trường giao dịch càng nhiều, càng nhiều nhà đầu tư tham gia đồng nghĩa với việc chi phí giao dịch phải trả cho các công ty chứng khoán càng tăng.

Đỉnh điểm về doanh thu môi giới của các công ty chứng khoán là thời điểm quý 1 năm 2018 khi thanh khoản giao dịch trên sàn HSX trong 1 quý đạt con số kỷ lục 427 nghìn tỷ, doanh thu hoạt động môi giới của ngành theo đó cũng lần đầu vượt mức 2.000 tỷ. Trong quý 2 năm nay, nhờ sự tham gia của thể hệ nhà đầu tư F0, thanh khoản giao dịch trên HSX cũng đạt con số ấn tượng hơn 346 nghìn tỷ, tăng 53,4% so với thời điểm quý 1. Doanh thu hoạt động môi giới của các CTCK theo đó cũng tăng từ mức 1.128 tỷ cùng kỳ lên mức 1.487 tỷ. Không chỉ dừng lại ở đó, theo dữ liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM thì tính đến phiên giao dịch kết thúc quý 3, thanh khoản trên sàn HSX thậm chí còn tiếp tục tăng lên 352,8 tỷ, tương ứng với giá trị giao dịch trung bình hơn 5,51 nghìn tỷ mỗi phiên và tăng 35,74% so với cùng kỳ. Như vậy với mức tăng trưởng này, chắc chắn rằng trong quý 3 năm nay các công ty chứng khoán sẽ tiếp tục có một mùa vụ bội thu nếu chỉ tính riêng mảng môi giới.

Tương quan giữa thanh khoản Vnindex và doanh thu mảng môi giới các CTCK (nguồn dữ liệu: Fiinpro)

Hoạt động margin

Sau hoạt động môi giới thì hoạt động cho vay margin cũng đóng vai trò không nhỏ trong cơ cấu thu nhập của các công ty chứng khoán, đặc biệt với những công ty có nguồn vốn rẻ như KIS Việt Nam, Chứng khoán KB, Mirae Asset… Việc huy động được nguồn tiền từ nước ngoài với chi phí rẻ hơn đáng kể so với mức lãi cho vay đã đem lại nguồn thu rất lớn cho các công ty này. Lấy ví dụ như chứng khoán Mirae Asset, công ty có thị phần cho vay margin lớn nhất thị trường thì doanh thu từ các hoạt động cho vay và phải thu trong 6 tháng đầu năm đã lên tới con số 394,2 tỷ, gấp tới hơn 4 lần doanh thu hoạt động môi giới.

Hoạt động cho vay của các CTCK không phụ thuộc nhiều vào thanh khoản và biến động của thị trường như những mảng kinh doanh còn lại. Có những thời điểm thị trường “rớt mạnh” như quý 2 năm 2018 hay quý 1 vừa rồi, mảng cho vay vẫn sống khỏe và giữ vai trò quan trọng bổ trợ cho sự suy giảm của những mảng kinh doanh khác. Thay vì dựa vào yếu tố thị trường, doanh thu của mảng cho vay margin sẽ phụ thuộc rất nhiều vào giá trị “các khoản cho vay” trong phần “tài sản tài chính” trên báo cáo tài chính các công ty chứng khoán . Vì tiền lãi các công ty chứng khoán nhận được hay số tiền lãi nhà đầu tư phải trả cho các khoản vay margin có tính chất trả chậm, nên con số dư nợ đầu kỳ dùng để đối chiếu với các khoản lãi sẽ phản ánh chính xác hơn so với con số cuối kỳ.

Tính đến thời điểm đầu quý 3, giá trị các khoản cho vay của các doanh nghiệp trong ngành đạt gần 56 nghìn tỷ, tăng 11,75% so với thời điểm đầu quý 2 và tăng 1,65% so với cùng kỳ. Cụ thể một số doanh nghiệp như SHS tăng 32,8%, VND tăng 8,89%, HCM tăng 20,56% so với thời điểm đầu quý 2 năm nay. Điều này đồng nghĩa với việc doanh thu từ hoạt động cho vay trong quý 3 năm nay chắc chắn sẽ có sự cải thiện hơn so với thời điểm quý 2 và so với mức cùng kỳ có thể sẽ có sự gia tăng nhẹ.

Giá trị cho vay tại các công ty chứng khoán (nguồn dữ liệu: Fiinpro)

Hoạt động tự doanh

Trong số các mảng kinh doanh chính của các công ty chứng khoán thì hoạt động tự doanh nói chung và hoạt động đầu tư chứng khoán nói riêng lại có sự biến động hơn cả. Trong quý 1 năm nay, tác động từ dịch Covid 19 đã khiến chỉ số VN-Index mất tới 30.9%, ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong một quý kể từ năm 2010. Với một diễn biến của thị trường như vậy thì danh mục đầu tư của bộ phận tự doanh các công ty chứng khoán cũng bốc hơi nhanh không kém. Theo thống kê, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chứng khoán của 80 doanh nghiệp trong quý 1 lần đầu đạt mức âm 527 tỷ, là tác nhân chính góp phần vào sự suy giảm lợi nhuận của toàn ngành. Sang quý 2, cùng với sự hồi phục của thị trường thì lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chứng khoán ghi nhận con số hết sức ấn tượng, đạt con số 2.687 tỷ và chiếm 47,93% lợi nhuận gộp của toàn ngành.

Trong số 2.687 tỷ kể trên thì lợi nhuận từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) chiếm tới 2639 tỷ. Đây là các khoản lợi nhuận sẽ được ghi nhận theo chệnh lệch giữa ngày đầu kỳ và số cuối kỳ theo giá thị trường, theo đó thì dù công ty chứng khoán có bán chứng khoán hay không thì vẫn được ghi nhận lợi nhuận hoặc lỗ theo mức chênh lệch đó.

Quý 3 năm nay, VN-Index ghi nhận mức tăng 9,37%. Con số này tuy thấp hơn so với quý 2 nhưng nếu so với mức giảm 3,14% của cùng kỳ thì đây là một dấu hiệu rất tích cực cho hoạt động tự doanh của các công ty chứng khoán. Cùng với đó thì giá trị chứng khoán kinh doanh của các công ty chứng khoán cũng đã tăng từ mức 38,9 nghìn tỷ lên mức 43,7 nghìn tỷ, cho thấy rằng giá trị đầu tư vào các tài sản rủi ro của bộ phận tự doanh không những chưa bị giảm bớt mà còn gia tăng thời điểm đầu quý 3.

Tương quan giữa lợi nhuận hoạt động kinh doanh chứng khoán và biến động Vnindex (nguồn dữ liệu: Fiinpro)

So với thời điểm cuối quý 2, nhiều cổ phiếu trong danh mục tự doanh của các công ty  chứng khoán đã có mức tăng rất mạnh như cổ phiếu CVT của chứng khoán Công thương, HSG và HT1 của chứng khoán BSI hay PLX, GEX của chứng khoán Sài Gòn. Đây là những cổ phiếu chiếm tỷ trọng chính trong danh mục đầu tư cổ phiếu của tự doanh các công ty chứng khoán kể trên. Nếu các cổ phiếu này vẫn được giữ trong danh mục đầu tư cho đến hết quý, các công ty chứng khoán sẽ được ghi nhận một mức lợi nhuận đáng kể dựa theo chênh lệch giữa giá thời điểm cuối kỳ và đầu kỳ của các cổ phiếu.


Notice: ob_end_flush(): failed to send buffer of zlib output compression (1) in /home/nhletdmp/public_html/wp-includes/functions.php on line 5279

Notice: ob_end_flush(): failed to send buffer of zlib output compression (1) in /home/nhletdmp/public_html/wp-includes/functions.php on line 5279