Cách đây 1 tuần mình có viết 1 bài báo về thống kê kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp trên báo Nhà đầu tư nhưng thấy không ứng lắm vì thời gian gấp, cộng thêm bài viết không thể hiện được nhiều điều. Hôm nay ngồi tổng hợp lại và thêm một số dữ liệu và show dưới dạng biểu đồ thì đúng là dễ nhìn hơn hẳn. Thực sự thì bài viết này ở thời điểm hiện tại là khá muộn màng khi giờ đã là trung tuần của tháng 8, nhưng không sao, méo mó có hơn không.
Dựa trên nguồn data của hơn 950 doanh nghiệp ở cả ba sàn (chân thành cảm ơn Wigroup JSC đã tài trợ dữ liệu cho mình viết bài), mình note lại mấy điều quan trọng về kết quả kinh doanh của thị trường trong quý 2 như thế này:
Thứ nhất là nhìn vào chart 1 và chart 2 có thể khẳng định luôn là kết quả kinh doanh quý 2 có giảm nhẹ về tốc độ tăng trưởng so quý 1. Chart 1 cho thấy số doanh nghiệp có LNTT tăng trưởng dương trong quý 2 có phần ít hơn đôi chút so với quý trước (368 so với 374). Các doanh nghiệp Midcap có mức độ suy giảm nhiều hơn xét trên số doanh nghiệp, trong khi đó các doanh nghiệp Bluechip có sự phục hồi kết quả kinh doanh khá tốt trong quý 2.
Con số cụ thể về tăng trưởng LNTT của toàn thị trường trong quý này là -32,6% trong khi quý trước là -27,2%.
Thứ 2 là mặc dù tốc độ tăng trưởng giảm nhẹ, song xét về giá trị tuyệt đối thì LNTT quý 2 vẫn lớn hơn 16,8% so với quý 1 năm nay. Nên nhớ rằng trong quý 2 có 20 ngày cả nước cách ly xã hội và hầu như phần lớn các hoạt động kinh tế xã hội bị tê liệt trong thời gian này. Bên cạnh đó, thưc chất chỉ có nữa cuối quý 1 mới chịu tác động từ Covid 19, hoạt động sản xuất kinh doanh trong quãng thời gian còn lại của quý 1 vẫn diễn ra bình thường. Túm lại, có thể kết luận là tình hình sản xuất kinh doanh đã phục hồi tương đối tích cực trong quý 2 năm nay.
Thứ 3 là nhìn vào biểu đồ 2 có thể thấy được sự phục hồi mạnh mẽ ở một số ngành nghề trong quý 2 và theo mình nghĩ điều này có thể duy trì trong những quý tiếp theo. Với những nhà đầu tư nhanh nhạy thì hoàn toàn có thể tìm kiếm được những cơ hội đầu tư từ những cổ phiếu thuộc các ngành nghề này. Cụ thể là các ngành xây dựng, truyền thông, sản xuất và phân phối điện, ô tô và phụ tùng. Mình sẽ đánh giá chi tiết về triển vọng của 1 ngành cụ thể trong một bài viết khác, trong khuôn khổ bài viết này mình sẽ chỉ dừng ở đây.
Thứ 4 là 2 chart còn lại cho thấy đóng góp của các ngành nghề vào kết quả kinh doanh chung của toàn thị trường. Bất động sản luôn là ngành đóng góp lợi nhuận nhiều nhất vào lợi nhuận của thị trường, trong khi đó cơ cấu doanh thu có phần phân bổ đồng đều hơn vào các ngành: sản xuất thực phẩm, bất động sản, xây dựng và vật liệu, kim loại, dầu khí, bán lẻ.