Bỏ qua các chỉ số tài chính, bài viết này chủ yếu trình bày quan điểm của mình về các rủi ro trong hoạt động kinh doanh của VCS, kèm theo đó là vài dòng lan man không đâu vào đâu, hi vọng mọi người đủ kiên nhẫn đọc hết bài viết.
VCS đã từng là một trong những case đầu tư thành công của mình trong năm 2019, cho đến tháng 10 thì mình quyết định chia tay với em ấy đường ai lấy đi, ngẫm lại bây giờ thấy quyết định lúc đấy sáng suốt quá. Bẵng qua một thời gian không ngó ngàng gì, hôm nay ngồi đọc báo cáo tài chính của ẻm, vì ẻm là một trong những doanh nghiệp công bố báo cáo sơm, cộng thêm 1 sự rảnh rỗi nhất định nên quyết định viết bài này. Nhưng thông tin và góc nhìn mình đưa ra trong bài có thể có độ trễ, vì như mình đã nói “bẵng qua một thời gian không ngó ngàng gì”, mong các bác thông cảm và góp ý.
Đầu tiền là doanh thu và lợi nhuận có tăng trưởng 2 chữ số so với cùng kỳ trong thời điểm dịch Covid khiến người người, nhà nhà khóc ròng là điều đáng khích lệ cho VCS và cổ đông. Nhưng trên quan điểm cá nhân mình, bây giờ không phải là thời điểm để đầu tư vào VCS, tốt nhất là nên tránh xa 10 mét. Mà nếu sớm và nhanh nhạy hơn, thì kết quả kinh doanh từ quý 3 năm 2019 đã cho thấy điều này. Mình xin đưa ra 2 luận điểm như sau:
Thứ 1: VCS không tận dụng được miếng bánh mà Trung Quốc để lại tại thị trường Mỹ, và mới đây là Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Key đầu tư vào VCS trong năm 2019 không có gì khác ngoài việc Trung Quốc – thị trường xuât khẩu đá thạch anh lớn nhất vào Mỹ bị áp thuế xấp xỉ 300%, khiến cho đá thạch anh Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ hầu như trở về con số Zero sau thời điểm tháng 6. Ngay sau đó, VCS công bố báo cáo tài chính quý 2 với lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 35.8% và doanh thu tăng 17.5%. Mặc dù con số không phải là quá lớn, song cũng đủ giúp cổ đông ấm lòng và viễn cảnh về một VCS đang hồi sinh sau một năm kinh doanh khó khăn đươc vẽ ra. Điều này đã giúp giá cổ phiếu phi thăng một mạch từ mức giá 60 lên hơn 113, tương ứng với mức tăng gần 100%. Những tưởng VCS cứ thế băng băng về đích khi các số liệu xuất khẩu đá thạch anh của Việt Nam vào Mỹ trong tháng 7 và tháng 8 cũng vô cùng ấn tượng với mức tăng lên tới 400%. Tuy nhiên, thời điểm VCS công bố sơ bộ kết quả kinh doanh quý 3 cũng là lúc mà nhà đầu tư đang giữ VCS nếm trái đắng, và mình cũng nằm một trong số đó. Cũng là lợi nhuận tăng trưởng hơn 30%, những diễn biến giá cổ phiếu lại theo một chiều hướng khác. Nói một cách ví von là nếu như kết quả kinh doanh quý 2 vẽ nên một nữa bên kia quả núi, thì kết quả kinh doanh quý 3 của VCS lại vẽ nên một nữa còn lại. Lý giải cho điều này đương nhiên mức tăng trưởng 30% kia không thể làm hài lòng nhà đầy tư, nhất là khi đối chiếu với những dữ liệu xuất khẩu “khủng” của đá thạch anh của Việt Nam vào thị trường Mỹ đã được công bố trước đó.
Bên dưới mình có tổng hợp lại 2 hình, hình thứ nhất xuất khẩu đá thạch anh các thị trường vào Mỹ theo tháng (hiện tại chưa có dữ liệu quý 1 2020, nhưng điều này không còn quá quan trọng). Hình thứ 2 là tương quan giữa doanh thu VCS và xuất khẩu đá thạch anh của Việt Nam vào Mỹ.
Trước thời điểm Trung Quốc bị áp thuế, VCS là nhà xuất khẩu đá thạch anh lớn nhất và hầu như là duy nhất của cả nước (các sản phẩm của các công ty thuộc công ty mẹ Phenikaa đều do VCS phân phối). Chính vì điều này nên dễ hiểu khi nhà đầu tư hình dung sản lượng xuất khẩu tăng thêm kia của Việt Nam trong quý 3 chủ yếu đến từ VCS. Nhưng thực tế thì doanh thu của VCS lại không cho thấy điều đó (mình đã từng nghĩ VCS dấu lãi trong quý 3 nhưng KQKD trong quý 4 tái khẳng định là số liệu xuất khẩu kia chỉ liên quan rất ít đến VCS). Tại sao lại có sự lệch pha giữa sản lượng xuất khẩu đá thạch anh từ Việt Nam vào thị trường Mỹ và con số doanh thu của VCS? Theo nhận định của mình thì nguyên nhân chính là các nhà sản xuất Trung Quốc đã chuyển dịch nhà máy đến các nước khác trong khu vực trong đó có Việt Nam nhằm né thuế của Mỹ. Con số tăng thêm về sản lượng xuất khẩu kia chính là đến từ các nhà máy này. Sản lượng của VCS mặc dù có tăng thêm nhưng không đáng kể so mức 400% kia, và so với miếng bánh mà Trung Quốc để lại tại thị trường Mỹ. Điều này cũng có phần dễ hiểu khi các sản phẩm của Trung Quốc chủ yếu là các sản phẩm cấp thấp, trong khi sản phẩm của VCS là sản phẩm đá thạch anh cao cấp.
Như vậy dư địa để VCS có một cú đột phá trong tương lai ở thị trường hầu như là không có, trừ trường hợp Mỹ tự áp thuế đối với các doanh nghiệp nội địa và các doanh nghiệp sản xuất đá thạch anh cao cấp khác ở Châu Âu. Mà điều này thì hầu như là impossible. Ngược lại, khả năng VCS bị áp thuế trong tương lai là hoàn toàn có thể xảy ra, đây cũng chính là luận điểm thứ 2 của mình về việc không nên đầu tư vào VCS ở thời điểm hiện tại.
Thứ 2: khả năng VCS bị áp thuế chống bán phá giá trong tương lai là có thể xảy ra
Nhìn vào biểu đồ 1 ta sẽ thấy được liên hoàn thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp và Mỹ áp vào các doanh nghiệp nước ngoài để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước, bắt đầu từ Trung Quốc và mới đây nhất là Ấn Độ và Thỗ Nhi Kỳ. Theo mình, có 2 lý do mà Mỹ đưa một quốc gia vào danh sách điều tra về hành vi bán phá giá, mà Việt Nam đang có vẻ như sắp đáp ứng được 2 tiêu chí này, đó là:
- Quốc gia có tỷ trọng xuất khẩu đá thạch anh lớn vào Mỹ
Việt Nam từ một quốc gia xuất khẩu đá thạch anh không nhiều vào kể vào thị trường Mỹ (chưa đến 3% trong năm 2018, chủ yếu là các sản phẩm cao cấp của VCS), sau 2 lần Mỹ áp thuế vào Trung Quốc và Ấn Độ thì đến tháng 12 năm 2019 Việt Nam đã vươn lên trở thành nước khẩu đá thạch anh lớn thứ 2 vào Mỹ, chỉ đứng sau Tây Ban Nha. Khả năng đà tăng này sẽ tiếp tục trong năm nay khi thời điểm Ấn Độ bị áp thuế là cuối năm 2019, đương nhiên con số tăng lên sẽ không đến từ VCS.
- Quốc gia có sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là các sản phẩm có mức giá thấp
Khi VCS không còn chiếm trọng số xuất khẩu đá thạch anh vào thị trường Mỹ nữa, mà thay vào đó là các doanh nghiệp FDI Trung Quốc thì sẽ dẫn đến tình trạng mặt bằng giá thạch anh của Việt Nam rơi xuống một mức thấp. Các doanh nghiệp Mỹ thì không thích điều này, một vụ kiện trong tương lai gần đối với các sản phẩm đá thạch anh Việt Nam là hoàn toàn có thể xảy ra.
Như vậy là không những sẽ không được hưởng lợi nhiều từ các vụ kiện chống bán phá giá của Mỹ, VCS sắp tới đây còn có thể là nạn nhân bất đặc dĩ của những vụ kiện này.