Tất tần tật về biên lợi nhuận doanh nghiệp (phần 1)

Biên lợi là gì?

Biên lợi là chỉ số được tính toán trực tiếp giữa 2 đại lượng quan trọng bậc nhất trong báo cáo kết quả hoạt kinh doanh của của doanh nghiệp là doanh thu và lợi nhuận. Trong một số trường hợp, chỉ số biên lợi nhuận có thể một mình đại diện cho cả doanh thu và lợi nhuận để phản ánh chính xác về tình hình kinh doanh hiện tại của doanh nghiệp đang gặp khó khăn hay thuận lợi. Do vậy, trong quá trình phân tích tích doanh nghiệp để phục vụ cho mục đích đầu tư, việc so sánh và đánh giá về chỉ số này cũng không kém phần quan trọng so với bất kỳ chỉ số tài chính nào khác. Cũng chính vì tầm quan trọng và có quá nhiều điều để nói về chỉ số này, mình sẽ chia bài viết này làm 2 phần, trong đó phần một sẽ nói về những vấn đề chung chung của chỉ số này.

Để tính toán biên lợi của doanh nghiệp, người ta lấy tỷ số giữa lợi nhuận thực có và tổng số tiền mà doanh nghiệp thu được từ quá trình bán hàng và cung cấp dịch vụ. Tùy thuộc vào tử số lợi nhuận kia mà người ta chia biên lợi của doanh nghiệp thành 3 loại khác nhau: biên lợi gộp, biên lợi thuần (biên lợi ròng) hay biên ebit (biên lợi hoạt động kinh doanh). Bài viết này mình chưa đi sâu vào từng loại biên lợi, vì vậy từ biên lợi được nhắc đến trong bài viết có thể ngầm hiểu là đại diện cho cả 3 loại biên lợi kể trên.

Biên lợi có tác dụng gì?

Quay trờ lại với công thức tính: Biên lợi = Lợi nhuận / Doanh thu. Làm một phép toán nghịch đảo đơn giản ta sẽ được: Lợi nhuận = Doanh thu * Biên lợi. Ở góc độ kinh doanh, có thể thấy rằng, một doanh nghiệp muốn gia tăng lợi nhuận của mình có thể thực hiện một trong 2 cách: hoặc tăng doanh thu, hoặc tăng biên lợi. Câu hỏi đặt ra là doanh nghiệp thông thường sẽ lựa chọn phương án nào trong 2 phương án kể trên? Trong một vòng đời kinh doanh của doanh nghiệp, từ giai đoạn sơ sinh đến khi trưởng thành vào bão hòa, doanh nghiệp sẽ có những chiến lược khác nhau để gia tăng lợi nhuận thu được. Những doanh nghiệp mới hoặc trong giai đoạn phát triển sẽ ưu tiên hơn cho việc tăng doanh thu và mở rộng thị phần. Đôi khi có thể chấp nhận hi sinh biên lợi để giành được thị phần từ tay đối thủ. Khi đến giai đoạn “chiều thu”, việc tăng doanh thu và mở rộng thị trường sẽ trở lên khó khăn hơn. Những doanh nghiệp quy mô lớn hay đang trong giai đoạn bão hòa có xu huớng tìm cách gia tăng lợi nhuận bằng cách mở rộng biên lợi của mình, cụ thể hơn là tiết giảm các chi phí một cách tối ưu nhất. Một trong những cách mà các doanh nghiệp dạng này thường lựa chọn là tối ưu và hoàn thiện chuỗi giá trị kinh doanh của mình. Lấy ví dụ từ những doanh nghiệp lớn ở Việt Nam như hệ thống trường đại học của FPT cung cấp đội ngũ kỹ sư có tay nghề với một mức chi phí vừa phải cho tập đoàn, VNM mua lại đường Khánh Hòa vào năm 2017 để tối ưu chi phí đầu vào hay Vĩnh Hoàn đang mở rộng mảng sản xuất collagen là khâu cuối cùng trong chuỗi giá trị ngành cá tra với mức biên lãi cao hơn.

Ở góc độ đầu tư, việc phân tích biên lợi của doanh nghiệp phục vụ cho 2 mục đích sau:

  • So sánh với quá khứ để đánh giá hiệu quả kinh doanh hiện tại của doanh nghiệp

Một doanh nghiệp có biên lợi đang gia tăng cho thấy doanh nghiệp đang kinh doanh ngày càng hiệu quả hơn. Điều này có thể đến từ một môi trường kinh doanh ngày càng ít cạnh tranh hoặc doanh nghiệp đang kiểm soát các chi phí tốt hơn so với trước đây. Cần lưu ý rằng biên lợi không trực tiếp đo lường khả năng sinh lợi, do chỉ số này dựa trên tổng doanh thu từ hoạt động kinh doanh chứ không dựa trên các tài sản doanh nghiệp đã đầu tư hoặc vốn cổ phần của cổ đông. Trong đầu tư dài hạn, việc đánh giá biên lợi của doanh nghiệp nên nhìn trong một thời gian đủ dài để phản ánh chính xác nhất về hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Thường thì kỳ báo cáo để so sánh lúc này là năm, hoặc có thể linh động so sánh theo quý nếu thời gian đầu tư là ngắn hơn.

  • So sánh với các doanh nghiệp cùng ngành để đánh giá về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp

Một doanh nghiệp có mức biên lãi cao hơn so với các doanh nghiệp cùng ngành, điều này thể hiện cho: hoặc doanh nghiệp có lợi thế để sản xuất sản phẩm với chi phí thấp hơn, hoặc cùng chi phí sản xuất nhưng doanh nghiệp có lợi thế để bán được sản phẩm với giá thành cao hơn so với đối thủ. Về lý thuyết, những doanh nghiệp có biên lợi nhuận cao có thể tồn tại vững vàng trong bối cảnh toàn ngành gặp khó khăn như chi phí leo thang hay nhu cầu từ thị trường suy giảm. Ngược lại, những doanh nghiệp có biên lợi thấp sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong những giai đoạn thị trường như vậy. Thậm chí nếu giai đoạn khó khăn của thị trường kéo dài quá lâu, những doanh nghiệp này có thể dẫn đến tình trạng phá sản khi doanh thu không thể bù đắp được chi phí.

Việc so sánh biên lãi giữa 2 doanh nghiệp chỉ tỏ ra hữu ích khi các ngành doanh nghiệp này cùng hoạt động trong một ngành. Bởi lẽ với mỗi ngành khác nhau sẽ có mức chi phí vốn bỏ ra trên doanh thu thu được là khác nhau. Thông thường, những ngành hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ sẽ có mức biên lãi rất cao, ngược lại những ngành về thương mại lại có mức biên lãi rất thấp. Những ngành hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thường có mức biên lãi nằm giữa 2 nhóm còn lại.

2 yếu tố quan trọng tác động đến biên lợi doanh nghiệp

Biên lợi doanh nghiệp bị chi phối bởi 2 yếu tố quan trọng nhất là khả năng kiểm soát chi phí và khả năng định giá sản phẩm của doanh nghiệp. Đối với biên lợi gộp, các loại chi phí chính tác động đến loại biên lợi này bao gồm: chi phí nguyên vật liệu, chi phí nhân công và chi phí phí khấu hao tài sản cố định. Đối với biên lợi sau thuế của doanh nghiệp, ngoài các chi phí kể trên có thể kể đến các loại chi phí khác như chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp hay chi phí tài chính. Thông thường khi có sự gia tăng mạnh hơn của biên lợi so với doanh thu, điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đang kiểm soát chi phí của mình một cách tốt hơn. Có thể là giá thành nguyên vật liệu đang ở mức thấp, doanh nghiệp tối ưu hóa hệ thống bán hàng hay chỉ đơn giản là việc thay đổi chính sách khấu hao cũng có thể giúp biên lợi của doanh nghiệp gia tăng một cách đáng kể. Công việc của nhà đầu là phải tìm ra được nguyên nhân chính của sự thay đổi biên lợi bằng cách tập trung hơn vào báo cáo thu nhập của doanh nghiệp.

Yếu tố quan trọng thứ 2 tác động đến biên lợi là khả năng định giá sản phẩm trên thị trường của doanh nghiệp. Khi doanh thu tăng cùng chiều với biên lợi, điều này thường thể hiện cho doanh nghiệp đang bán sản phẩm với một mức giá cao hơn trước đây. Khả năng tăng gia tăng giá bán có thể đến từ một môi trường kinh doanh ít cạnh tranh hơn, giá nguyên liệu đầu vào gia tăng hay đơn giản là do chiến lược bán hàng trong mỗi giai đoạn khác nhau của công ty.

Vẫn có thể đầu tư vào những doanh nghiệp biên lợi thấp

Không phủ nhận khi cho rằng những doanh nghiệp có biên lợi nhuận cao sở hữu những lợi thế cạnh tranh nhất định giúp cho doanh nghiệp có thể trụ vững khi thị trường trải qua giai đoạn khó khăn. Bên cạnh việc phân tích những yếu tố khác, những doanh nghiệp dạng này có thể xem là giấc ngủ ngon cho nhà đầu tư dài hạn. Tuy nhiên, với một thời gian đầu tư ngắn hơn và cần sự đột biến về lợi nhuận trong tương lai, những doanh nghiệp có biên lợi cao chưa hẳn là một sự lựa chọn tối ưu bởi sự khó khăn trong việc mở rộng biên lợi của mình. Ngược lại, những doanh nghiệp có biên lãi thấp, thậm chí là càng thấp càng tốt có thể làm chúng ta ngạc nhiên về sự tăng trưởng của lợi nhuận ròng trong tương lai.

Lấy ví dụ: 2 doanh nghiệp hoạt động cùng một ngành và cùng có mức doanh thu 100 tỷ, doanh nghiệp A thu về được 50 tỷ lợi nhuận, tương ứng với mức biên lợi 50%. Cũng với mức doanh thu 100 tỷ, doanh nghiệp B chỉ thu được 1 tỷ lợi nhuận tương ứng với mức biên lợi 1%. Thoạt nhìn có vẻ như doanh nghiệp B đang kinh doanh cực kỳ tệ so với doanh nghiệp A. Điều này là không sai. Tuy nhiên, trong một viễn cảnh tươi đẹp, khi bức tranh toàn ngành nơi mà doanh nghiệp A và B đang hoạt động trở nên sáng sủa lớn. Lúc này nếu phải lựa chọn một trong 2 doanh nghiệp có khả năng tạo được sự đột biến lợi nhuận trong ngắn hạn, chắc chắn rằng những doanh nghiệp có biên lợi cao sẽ là một sự lựa chọn sau cùng. Một phép toán đơn giản là chỉ một thay đổi nhỏ 1% về giá trị tuyệt đối trong biên lợi của B thôi thì lợi nhuận của công ty tăng lên 2 lần so với trước đây

(còn tiếp)


Notice: ob_end_flush(): failed to send buffer of zlib output compression (1) in /home/nhletdmp/public_html/wp-includes/functions.php on line 5279

Notice: ob_end_flush(): failed to send buffer of zlib output compression (1) in /home/nhletdmp/public_html/wp-includes/functions.php on line 5279